
Trưng bày nghệ thuật
Don’t Call It Art
Giám tuyển: Đỗ Tường Linh | Nghệ sĩ: Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, Trương Tân | Thời gian: 19/11/2022 - 31/12/2022
Trưng bày các tác phẩm thuộc kho lưu trữ của Veronika Radulovic.
Giới thiệu
Phần giới thiệu này chủ yếu bao gồm các trích đoạn từ bài luận của Annette Bhagwati ‘Don't Call it Art! Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1993-1999’, đã được biên tập lại cho phù hợp với mục đích của triển lãm.
Lưu trữ nghệ thuật trưng bày trong dự án này xoay quanh tác phẩm của ba nghệ sĩ: Trương Tân, Nguyễn Minh Thành và Nguyễn Quang Huy - những người được coi là tiên phong của nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. Với những bức tranh, những màn trình diễn và sắp đặt nghệ thuật chưa từng xuất hiện trong nước, họ đã trở thành những ngôi sao của nền nghệ thuật non trẻ và độc lập nổi lên ở Hà Nội vào đầu những năm 1990. Các tác phẩm của họ được sưu tập bởi các bảo tàng hàng đầu như Phòng trưng bày Quốc Gia và Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Bảo tàng Guggenheim New York hay Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Fukuoka. Đối với thế hệ nghệ sĩ đàn em, họ giờ đây đã là những nhân vật gần như huyền thoại, không hề nao núng trước áp bức, dám nổi loạn - và do đó, luôn cởi mở cho những khả thể nghệ thuật mới.
Thời điểm đó, các phòng tranh thương mại ở Hà Nội hay Sài Gòn vẫn còn vắng bóng các nghệ sĩ độc lập và thử nghiệm, nên thực tế, chỉ có rất ít nơi mà họ thể “công khai” trưng bày tác phẩm của mình. Đây rõ ràng phải là những địa điểm nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan nhà nước - như đại sứ quán hay Salon Natasha (vào thời điểm đó là địa điểm tư nhân duy nhất tổ chức triển lãm ở Hà Nội), nhà riêng của các nhà sưu tập nước ngoài, nhân viên đại sứ quán hoặc chỉ đơn giản là một số nơi kín đáo ngoại thành. Chỉ đến những năm 1998-1999, với sự xuất hiện và tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức văn hóa nước ngoài như Viện Goethe, tình hình triển lãm mới dần được cải thiện.
Trương Tân, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy là nhóm những nghệ sĩ đầu tiên trong luồng gió Đổi Mới những năm 1990, muốn khám phá quyền tự do mới và theo đuổi con đường nghệ thuật của riêng mình. Họ tìm kiếm những biểu đạt thẩm mỹ vượt xa những gì được quảng bá và cho phép tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong nước. Tính ngẫu hứng hữu hình, sự sắc sảo và táo bạo trong nghệ thuật kết hợp với chất liệu và phương pháp làm việc đã tạo nên sự độc đáo trong các tác phẩm của họ. Nghệ sĩ chủ yếu sử dụng giấy Dó - tiết kiệm, kín đáo và dễ vận chuyển - cùng bút lông và màu nước, đơn giản chỉ vậy. Những thử nghiệm dị thường đã ra đời như vậy, chẳng phải trong studio lớn mà chỉ vỏn vẹn trong căn hộ nhỏ cùng thuê trên phố Hàng Chuối.
Song, bất chấp danh tiếng vang dội, hầu hết các tác phẩm của họ vẫn chưa được biết đến, ngoại trừ một số mang tính biểu tượng và các sáng tác sau này. Việc lưu trữ và bảo tồn những lát cắt của lịch sử nghệ thuật Việt Nam giai đoạn đó - bao gồm áp phích, ảnh chụp, bản cắt báo, video trình diễn, bản vẽ và tranh vẽ, những bức ảnh chụp vội mang đậm tinh thần thời đại - khó có thể thực hiện nếu thiếu sự đóng góp lớn của Veronika Radulovic. Bà là nghệ sĩ người Đức sống ở Hà Nội những năm 1993-2005 và vào thời điểm ấy, là gương mặt không thể thiếu trong nền nghệ thuật non trẻ này. Với gần 1000 tác phẩm và ảnh, kho lưu trữ của Veronika Radulovic là bộ sưu tập lớn nhất về loại hình này trên toàn thế giới và là nhân chứng lịch sử độc đáo cho giai đoạn nhiều biến chuyển này.