Trưng bày nghệ thuật

Điệp

 

Nghệ sĩ: Mifa | Thời gian: 08/03/2022 - 08/04/2022

Giới thiệu

Người viết: Tác giả Asheem Singh


”Điệp | sparkling of scallop paper” là tên gọi của triển lãm solo lần đầu ra mắt của Mifa, một nghệ sĩ thị giác sống và làm việc tại Đà Nẵng, và là một người nghiên cứu hội hoạ về chất liệu sơn acrylic trên giấy điệp, một loại giấy truyền thống của Việt Nam được làm từ cây dó và vỏ sò điệp. 

Cách thể hiện kĩ thuật sơn và chuyển màu cực kì hiện đại trên nền giấy điệp đã diễn tả thành công sự giao thoa độc đáo của một tuổi thơ yên ả đến sự bỡ ngỡ gần như khủng hoảng trước nhịp sống hiện đại hối hả. Loại giấy đẹp và giản dị này có nguồn gốc từ trong văn hoá dân gian bao đời, được tái tạo một lần nữa trong trí tưởng tượng của một người nghệ sĩ trẻ đang sống và trải nghiệm thời điểm đau thương và tan vỡ kỳ lạ trong một giai đoạn lịch sử mà chúng ta cùng trải qua. 

Loạt tranh gần đây nhất, "Lẩn khuất trong hơi ẩm của lá và mưa", ra đời trong thời gian đại dịch, cho thấy một lối đi rất riêng, rất khó nắm bắt trong thủ pháp của Mifa. Lẫn trong tiếng thì thầm của cỏ cây là những hình ảnh nhỏ nhắn mộc mạc, lấy cảm hứng từ những thay đổi do đại dịch mang lại, ta bị buộc phải nhìn những thứ rất thân quen theo cách như thể lần đầu nhìn thấy.

Loạt tranh đi kèm với chủ đề "Thơ thơ" bao gồm những bức tranh nói lên niềm đam mê của Mifa, không chỉ với nghệ thuật thị giác mà còn với những vần thơ. Ở đây màu sắc và nhịp độ của từng hình ảnh đơn lẻ đan vào nhau thành một tổng thể theo một kết hợp bất chợt và đầy ngẫu hứng. Tác phẩm của Mifa tạo hiệu ứng lan tỏa của những cảm xúc lẫn lộn, nơi những hình ảnh riêng lẻ quyện vào nhau để cùng xướng lên những phát ngôn trữ tình, giục giã. 

Trong "Thơ thơ", loạt chủ đề văn hóa phương Đông thể hiện sự say mê của nghệ sĩ đối với nền văn hóa và di sản của mình: “Năm thế kỷ chìm dưới biển sâu”, “Một thế giới đầy sương”, “Và biển cùng núi biết rằng tôi biết”, và “Rubaiyat”. “Năm thế kỷ chìm dưới biển sâu” là giấc mơ bất tận của trẻ thơ về kho tàng vật thể và phi vật thể cùng niềm yêu thích với các chủ đề lịch sử và văn hóa dân gian Việt Nam, thể hiện một mỹ cảm vô tư, bản năng nhưng tỉ mỉ.

“Một thế giới đầy sương” bày tỏ tình yêu đối với các bài thơ haiku của Nhật Bản và ý tưởng về việc ôm ấp thiên nhiên, nắm bắt hồn cốt của thế giới chung quanh bằng cái nhìn dịu dàng và diễn đạt lại một cách súc tích. “Và biển cùng núi biết rằng tôi biết’” được dành tặng cho tinh thần phóng khoáng và lãng mạn của chủ nghĩa Biểu Hiện trong triết lý và phương pháp hội họa cổ đại của Trung Quốc. Và cuối cùng “Rubaiyat” là sự khởi đầu của một giấc mơ như được tạo nên bằng những nét dệt trên một tấm thảm Hồi giáo. 

Trong tác phẩm sắp đặt "Có điều gì đó về sự hồn nhiên mà con người không bao giờ cam lòng đánh mất", một bức tranh nằm bên cạnh một tấm gương vỡ, vừa là phủ nhận quá khứ vừa là lời khẳng định của chính quá khứ đó. Những chiếc vỏ sò bằng giấy Điệp đã gợi lại tuổi thơ mà Mifa trải qua trên những bãi biển xinh đẹp của Đà Nẵng, nên hành động sáng tạo trên giấy làm từ những chiếc vỏ điệp giúp chúng ta sống lại, cảm nhận lại khoảng đời tươi đẹp đó, và tạo nên những ký ức mới, vượt qua ánh phản chiếu lạnh lẽo và rạn vỡ của chiếc gương, từ chối cái nhìn qua màn hình của các thiết bị hiện đại để trân trọng những trải nghiệm chân thực. Nhờ vậy, chúng ta được đồng cảm với con mắt của nghệ sĩ, được nhìn thấy chính mình trong những khoảng đời thơ ngây ấy, và đồng thời nhìn thấy chúng ta ngay lúc này, đổ vỡ, bất toàn nhưng vẫn còn sống sót. Bộ sưu tập được hoàn thiện bởi một loạt các bức tranh cùng chủ đề về sự bất ổn, về những chấn thương khó lành, về những thay đổi trong đời sống và công nghệ. 

Bằng những dụng cụ sẵn có trong dân gian, nghệ sĩ đã tái hiện trước mắt chúng ta những hụt hẫng lớn của trải nghiệm đương đại, đồng thời xoa dịu tâm trạng đó bằng những lời an ủi của tuổi thơ. Từ triển lãm này, một cách tổng thể, Mifa như muốn nói với chúng ta rằng để tìm lại cho mình một chút an ủi, chỉ còn cách lấy sự bình thản, hồn nhiên mà nhìn cái thế giới ngày càng đảo điên này.


Xem Catalogue Triển lãm