Trưng bày nghệ thuật

TỪ NHÀ RA CÔNG VIÊN

Nghệ sỹ: Dương Thùy Dương| Người viết: Phạm Minh Quân | Thời gian: 10/12/2024 - 23/02/2025

 

Preface

Một công viên an trú cho tâm hồn


Tôi đến với các tác phẩm của Dương Thùy Dương không mang sẵn trong đầu một tiên kiến. Không phân biệt. Không kỳ vọng. Không thù tạc. Không “định ước”. Tất cả thuần túy chỉ là năng biểu thị giác của nghệ thuật được nhận thức thông qua cảm năng (sinnlichkeit). Rồi từ kết quả cuối cùng của quá trình suy tưởng (gedacht/denken trong tiếng Đức) đó, gạch một vạch nối tới chính bản thể của tác giả, để nhằm trả lời cho câu hỏi, Dương Thùy Dương, cô là ai?

Trước đây, khi viết bài phê bình về âm nhạc của bậc thầy dương cầm Nga Sergei Rachmaninoff, tôi đã đắn đo và cuối cùng lựa chọn ba từ khóa – lãng mạn, lưu vonghoài niệm. Nó đến từ lời giãi bày của ông trong bài phỏng vấn trả lời Leonard Liebling của tờ The Musical Courier năm 1939, khi ông mới đặt chân sang Mỹ (“Tôi cảm thấy mình như một hồn ma vất vưởng trong thế giới đã trở nên xa lạ. Tôi không thể gạt bỏ đi lối viết cũ, và cũng chẳng thể có được lối viết mới. Tôi nỗ lực vô cùng để cảm nhận được âm nhạc ngày nay, nhưng tôi không thể thẩm được chúng”). Sự xê dịch giữa không gian địa lý, luôn đi cùng với một sự xê dịch, hoặc là đứt gẫy, lớn lao hơn về tinh thần và căn cước văn hóa. Giống như người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài vẫn thường bị khu biệt bởi thuật ngữ “hải ngoại” (thế giới hải ngoại, văn học hải ngoại, âm nhạc hải ngoại…). Mặt khác, ngày nay chúng ta trở nên quen thuộc với những định ngữ như “công dân toàn cầu,” hay “nghệ thuật không biên giới,” song, trong chính thứ môi sinh hay ngôn ngữ tưởng như phổ quát vô hằng tận đó, có những người nghệ sĩ cô đơn giữa không trung. Những nghệ sĩ cô liêu này cũng xuất hiện khi họ không tìm về cội nguồn, bản sắc hay dân tộc tính để ly khai hoặc khác biệt thế giới. Với họ, câu chuyện không phải là giọt nước gộp vào đại dương, hay biển cả đi vào giọt nước, tự thân họ là bể khôn dò. Dương Thùy Dương, dường như là trường hợp như vậy.

Chúng ta đang đề cập đến những nghệ sĩ lơ lửng trên không trung – họ không thuộc về một sinh quyển hay lãnh thổ cố định. Ở châu Âu vào thời điểm thế kỷ XIX, có một châm biếm vui phổ biến: “người Anh làm chủ trên biển [chỉ hải quân Anh], người Pháp làm chủ mặt đất [chỉ quân đội Napoleon], còn người Đức thì làm chủ trên trời [với các nhà siêu hình].” Những nghệ sĩ, theo quan niệm này, cũng thuộc về địa hạt siêu hình. Họ đứng ngoài mọi ranh giới, tư tưởng vượt xa mọi thực tại hữu hình, tạo ra thế giới nghệ thuật của riêng mình mà không cần đến bất kỳ yếu tố địa lý hay văn hóa nào để khẳng định bản sắc. Như các nhà siêu hình học, họ sáng tạo nên một không gian phi thời gian, phi địa lý, nơi các hình thái nghệ thuật tự do và những khát vọng tinh thần được thăng hoa mà không bị chi phối bởi các giới hạn vật chất hay truyền thống.

Dương Thùy Dương, bởi vậy, phải chăng thuộc về nhóm ”các nhà siêu hình” của nghệ thuật thị giác, khi những hình ảnh và hình khối mà cô tạo ra không chỉ là sự biểu hiện đơn thuần, mà còn là cách để khơi gợi những câu hỏi vượt khỏi thế giới hữu hình, giống những nhà triết học Đức của thế kỷ XIX với khả năng tạo ra các cõi giới vô hình từ những hình thức và ý niệm mà phàm nhân không thể nắm bắt. Chính sự xa rời không gian hữu hình đó khiến các tác phẩm của cô mang đậm màu sắc siêu hình, đi tìm kiếm ý nghĩa vượt khỏi những cấu trúc truyền thống. Dương không dùng hình ảnh Việt Nam hay ngôn ngữ quen thuộc của văn hóa gốc để xác lập bản sắc. Thay vào đó, cô để nghệ thuật bay bổng tự do, như một thực thể siêu hình thuộc về bất kỳ ai và bất kỳ nơi nào, làm mờ đi biên giới giữa bản sắc cá nhân và bản chất nhân loại, mở ra những câu hỏi lớn hơn về cái “tôi” trong một thế giới không biên giới, về mối quan hệ của con người với vũ trụ siêu việt.

 

Và cũng vì lơ lửng, nên tranh của Dương “nhẹ khôn kham” – một ý tưởng triết học “rất-Kundera” về sự nhẹ nhõm của đời sống khi không mang theo ý nghĩa hay gánh nặng vốn có. Cũng như cách Kundera mô tả cuộc sống không bị ràng buộc bởi trọng lượng đạo đức hay hiện sinh, Dương muốn hiện diện trong nghệ thuật với một trạng thái tự do thuần khiết, không bị giới hạn bởi văn hóa hay địa lý. Từ đó, ta có một “chân không,” một không gian trống rỗng, nhưng đồng thời là không gian tự do tuyệt đối, nơi mọi hành động và lựa chọn đều mang ý nghĩa do chính cá nhân gán vào. Như vậy, trạng thái “nhẹ khôn kham” của Dương trở thành sự tôn vinh cho cái đẹp của tự do thuần túy minh nhiên – không trọng lượng, không mục đích cuối cùng – một kiểu nhẹ nhõm siêu hình mở ra một không gian độc nhất dành cho nghệ thuật.

Do đó, tranh của Dương Thùy Dương không phải thứ mưu toan trên toan vẽ. Nếu như nhiều nghệ sĩ đương đại mượn nghệ thuật để kể những câu chuyện mang chủ đề di cư, thay đổi chỗ ở, sống xa quê hương, tình trạng lưu vong bắt buộc, hậu thuộc địa, thậm chí là tình thế sai bối cảnh… thì Dương không phân biệt giữa ta và họ, chúng ta và những người khác, phía bên này và bên kia, mà mượn tên một tác phẩm của cô – This side and the next – chỉ có bên này và bên kế tiếp. Nghĩa là một quá trình thăng vận của hiện hữu, một bản thể được tái cấu trúc không ngừng, từ ngoài vào trong, từ ngoại hiện sang nội hiện, là cách họa sĩ đưa thế giới vào bên trong bản thân mình, rồi một lần nữa diễn giải thế giới, nhưng là thế giới của mình. Không có cái gọi là nhập cư hay xuất cư, chỉ là sự du hành dịch chuyển giữa các thế giới. Dẫu là Đức, hay Việt Nam, Berlin hay Hà Nội, đối với cô, có thể chỉ là những ga đến và đi, thăng bằng và tái hồi, nơi trừu xuất những chất liệu cảm hứng để làm đề pa cho chuyến tàu hội họa. 

Tại triển lãm lần này, Dương Thùy Dương sắp đặt công chúng tản bước theo từng toa trên chặng hành trình sáng tác trải dài 15 năm (2009 – 2024), từ những phác thảo bút chì, màu nước, cho đến các sáng tác sơn dầu. Sự khai triển nét và mảng của cô tầng bậc, hoang hoải tựa phím vĩ cầm lạnh bâng khuâng buông giữa đêm tịch mịch. Khung tranh là những khung cửa sổ hé mở người xem vào sự thoáng chốc và giả tạm. Một Madonna với hài đồng tan biến trên tay. Bút pháp này cũng xuất hiện trong Agnes trong thang máy hoặc The Holly 2, khi hình tượng bị giải kết cấu, tiêu biến thành những đường nét tựa hằng trăm sợi dây vần vũ rối bời, trừ tiệt tính biểu hình của nó chỉ còn sót lại trong contour. Những chân dung không-khuôn-mặt. Những hỗn mang để rồi chạm tới tịch tịnh. Bản ngã từ tự đối lập đi tới tự khẳng định.  

Với Dương, màu sắc không chỉ là một yếu tố trang trí thị giác, mà là một vũ điệu tinh tế, được dẫn dắt bởi những nguyên lý chặt chẽ về cảm xúc và tinh thần. Mỗi sắc màu chứa đựng một “tự tính” – một không gian tinh thần độc lập, trong đó màu sắc không chỉ đơn giản gợi cảm xúc mà còn truyền tải những phẩm chất tâm lý và chiều sâu nội tâm. Có lẽ tương hợp với ý niệm về “bông hồng tính khí” (Die Temperamentenrose) của Goethe và Schiller, Dương xem mỗi màu sắc như một phần tính cách riêng biệt, phản ánh trạng thái tinh thần và cảm xúc người. Đối với cô, sự kết hợp giữa các màu sắc là một quá trình cẩn trọng, không hề ngẫu nhiên, mà được cấu trúc để tạo nên một tổng phổ hòa hợp, nơi màu sắc thể hiện trọn vẹn những rung cảm và chiều sâu tâm hồn. Màu sắc, từ đó, không đơn thuần chỉ là phương tiện, mà là chính không gian nơi nghệ thuật của Dương ngự trị, mở ra một trải nghiệm cảm xúc và tâm lý mạnh mẽ cho người thưởng thức. 

Đừng cố tìm trong tranh của Dương một mỏ neo hay chiếc căn cước nào đó, bởi đến cùng, ta cũng sẽ chỉ tìm thấy một công viên an trú cho tâm hồn, mang tên nghệ thuật (“chỉ là chỗ cư trú cho những suy nghĩ không đầu không cuối của tôi” – trích lời chính họa sĩ). 

Download Exhibition Catalogue