
Trưng bày nghệ thuật
CÂY QUÂN TỬ
Nghệ sỹ: Hoàng Thiện Phúc | Giám tuyển: Nguyễn Hải Nam | Thời gian: 11/10/2024 - 24/11/2024
Giới thiệu
Hội họa của Hoàng Thiện Phúc là biểu hiện của ý niệm về những giấc mơ, ký ức cùng những đối thoại nghiêm túc với thực tại. Sau khi rời Sài Gòn và trở về La Gi (La Di), một thị xã nhỏ nằm ven biển phía nam tỉnh Bình Thuận, Phúc đã dành thời gian suy ngẫm về mối quan hệ cộng sinh giữa thực hành nghệ thuật, cảnh quan tự nhiên và văn hóa đang thay đổi tại quê hương. Triển lãm cá nhân thứ hai của Phúc, Cây Quân Tử, bao gồm loạt mười lăm tranh khổ lớn mới cùng với hai tác phẩm điêu khắc gốm, là kết quả của hơn ba năm làm việc miệt mài kể từ triển lãm cá nhân đầu tiên tại Mơ Art Space.
Khi quan sát sự biến đổi từng ngày của làng chài yên bình ấy, Phúc đã tìm đến cho mình một phương pháp tiếp cận thoát khỏi lối mòn: thực hành quá trình vẽ tranh thông qua ghi chép. Phúc bắt đầu sáng tác thơ, những ghi chú đầy tính chiêm nghiệm, và đôi khi là những câu chuyện hư cấu, xem hành trình khám phá văn chương là nền tảng ý niệm cho các sáng tác hội họa của mình. Mỗi bức tranh vì thế trở thành một biểu đạt cá nhân sâu sắc, ẩn chứa các tầng ý nghĩa, phản ánh đối thoại nội tâm và lời hồi đáp của nghệ sĩ đối với môi trường xung quanh.
Hoàng Thiện Phúc khắc họa thiên nhiên trong trạng thái bị biến đổi: những cây dừa, vốn được mang tới vùng đất này làm cây trồng thương mại, đang oằn mình chống chọi với sức mạnh của gió bão miền biển; hay những thực vật bản địa trơ trọi bám víu vào sự sống dù chỉ với một chiếc lá, lạc lõng giữa nền trời rực ánh tím. Cái cây, bao quanh bởi những ống nhựa và dây rợ, tượng trưng cho điều kiện khắc nghiệt, dữ dội mà nó phải gánh chịu. Hai tác phẩm Cây quân tử và Cảnh sau nhà lột tả hình ảnh siêu thực về một cảnh quan bị biến đổi hóa học, bị định hình bởi sự xâm lấn và tàn phá bởi con người. Những gam màu neon rực rỡ ngay lập tức cuốn hút ánh nhìn của người xem, gợi lên ý niệm về một thiên nhiên kỳ ảo, giả tạo và nhựa hóa. Những hình khối giản lược, kết hợp với bảng màu đậm nét và bão hòa, mang đến cho chủ thể hiệu ứng điêu khắc, biến chúng thành những hình ảnh ba chiều nổi bật. Ngôn ngữ nghệ thuật hé lộ mối liên kết mộc mạc, không qua sàng lọc giữa nghệ sĩ và môi trường xung quanh. Và nó khiến chúng ta tự hỏi: Điều gì ẩn sau những màn sương phát sáng kỳ ảo của cây cỏ và bầu trời ngập tràn ánh sáng neon?
Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, dù ở khía cạnh vật chất hay tinh thần, luôn có một sự tương thuộc sâu sắc. Thế nhưng, mối quan hệ ấy ngày càng trở thành sự áp đặt, khi con người ngây thơ và liều lĩnh tin rằng mình có thể kiểm soát và thử thách sức chịu đựng của thiên nhiên. Quan niệm ngây thơ “Thiên nhiên rồi sẽ trở lại” thường được dùng để mô tả sức sống kiên cường của thực vật và hệ sinh thái sau thảm họa. Nó phản ánh khả năng bền bỉ của thế giới tự nhiên trong việc tái sinh và thích nghi, ngay cả khi đối mặt với sự tàn phá hoặc can thiệp của con người. Đối với Phúc, đây chính là những cây quân tử—sống sót dù cho những ngặt nghèo mà con người áp đặt lên chúng. Bất chấp những điều kiện ấy, chúng vẫn tiếp tục theo đuổi con đường nguyên thủy của sự đồng sinh, cho hoa nở, trái chín, và mang lại bóng râm, đối lập hoàn toàn với sự phản bội của nhân loại.
Loạt tác phẩm của Hoàng Thiện Phúc khiến chúng ta phải suy tư về sức sống bền bỉ của tự nhiên và những hệ quả từ hành động của chính loài người, đồng thời khéo léo gợi nhắc tinh thần bất khuất của sự sống vẫn kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Tuy nhiên, các tác phẩm cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng: Ý nghĩa thực sự của kiên cường là gì? Liệu sự kiên cường có phải lúc nào cũng là điều tích cực, dù đối với thiên nhiên hay đối với con người? Và nếu sự kiên cường tồn tại, nó có cho phép nhân loại tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa tự do mới và biện minh cho những tổn thương họ gây ra cho thế giới tự nhiên hay không?
Dẫu vậy, trong suốt cuộc hành trình khám phá này, ngôn ngữ nghệ thuật của Phúc vẫn nhất quán—tràn đầy sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ của con trẻ đối với thế giới mà mình miêu tả. Và hơn hết, qua lăng kính trong trẻo ấy, tác phẩm của Phúc khuyến khích chúng ta nhìn thế giới tự nhiên với đôi mắt trung thực, hiếu kỳ của tuổi trẻ, thôi thúc chúng ta tự hỏi: Thiên nhiên thực sự có ý nghĩa gì, qua lăng kính của những giấc mơ, ký ức và thực tại?