Trưng bày nghệ thuật

Lửa mầm

Nghệ sỹ: Vương Thạo - Đào Tân - Koa Phạm | Giám tuyển: Nguyễn Hải Nam | Thời gian: 11/08/2024 - 22/09/2024

Giới thiệu

                                                                                    “Tình yêu của ta là hương thơm lặng thầm, dịu dàng của cây táo gai.

Tình yêu của ta là âm thanh của bài hát sáo sậy.

Sự mệt mỏi duy nhất của người là trong trái tim mình.

tựa những cây nến trong đêm, đốt cháy cùng nhau mà không biết.”

Một cỗ xe vĩ đại - Rumi 

(Tạm dịch)

Những vần thơ từ thế kỷ XIII của Rumi, nhà thơ Ba Tư, mượn hình ảnh ngọn lửa để nói về tình yêu, say mê khát vọng và sức chuyển hoá sâu sắc đối với tâm linh con người. Lời thơ đầy tính triết học của Rumi không chỉ dừng lại ở tình yêu theo nghĩa thông thường mà còn ngụ ý đến sự đắm say của vạn vật. Đam mê này được truyền tải trọn vẹn trong triển lãm “Lửa mầm” tại Mơ Art Space. Khởi nguồn từ những xúc cảm âm ỉ trong nội tâm, ba nghệ sĩ Vương Thạo, Đào Tân và Koa Phạm diễn đạt suy tư của mình về cảnh quan xã hội qua chất liệu tự nhiên, thông qua nhiều bước chuyển hoá để rồi tìm về những trạng thái nguyên thủy của chúng: đá, than, gỗ và nước. Các tác phẩm nổi bật nhờ cách tiếp cận độc đáo của nghệ sĩ, cùng lúc chia sẻ một điểm chung thú vị: sự tương tác giữa kỹ thuật - nghệ thuật, và quá trình biến hoá kỳ diệu của tự nhiên.

Ngôn ngữ nghệ thuật của Vương Thạo vốn mang sự trầm lắng và đầy suy tư, thể hiện rõ nét qua các tác phẩm sử dụng chất liệu nhựa thông, nơi anh lưu giữ lịch sử và ngưng đọng thời gian bên trong một lăng kính trong suốt. Với chuỗi tác phẩm “Âm ỉ” tại triển lãm lần này, sử dụng than gỗ, màu acrylic, và vàng lá, Vương Thạo tối giản hóa mọi hình ảnh để khai thác vào tận sâu thẳm những khía cạnh của nội tâm. Suy tưởng của nghệ sĩ về bản chất của con người kín đáo và ý nhị hơn so với loạt tác phẩm trước, nhưng vẫn tràn đầy tính biểu tượng và cảm xúc. Vết nứt và rạn trên bề mặt tranh được hình thành từ việc đốt khung trong lửa, âm ỉ qua thời gian, tái hiện những khát khao và hoài vọng chờ thời cơ bùng cháy qua những nét lửa đỏ và vàng. Chúng dai dẳng, giằng co, đầy nhiệt huyết mà không dữ dội, xen chút ám ảnh, như muốn đeo bám người ôm giữ nó trong lòng, cũng như những khán giả tới thưởng lãm. Những ý niệm và giá trị về phần nào tính cách con người trong cuộc sống được Vương Thạo đặt thành câu hỏi rồi lồng vào tác phẩm: Ta cần gì để theo đuổi được giấc mơ?

Tiếp nối sự tĩnh lặng của triển lãm “Lửa mầm”, chuỗi tác phẩm điêu khắc của Đào Tân, 20năm30năm50năm/phút, dịch chuyển người xem qua một trạng thái khác của không gian và thời gian. Những dấu vết của sự bào mòn trong tác phẩm không phải là kết quả của tạo tác tự nhiên, mà là sự can thiệp có chủ ý. Điêu khắc của Đào Tân khoác lên sự bí ẩn của những thánh tích hay di vật từ một thế giới khác, cùng lúc tạo ra bất ngờ, mơ hồ về nguồn gốc của chính tác phẩm. Đục đẽo lại những dấu vết của thời gian, Đào Tân nhìn vào giá trị của nó trong bối cảnh không gian hiện tại cùng với những cảm xúc bao quanh khái niệm này: giật mình, nhung nhớ, bồi hồi, trân trọng… Với anh,“nghĩ về những thứ đã qua không phải là để ta chìm đắm trong nó, mà để hôm nay ta biết trân trọng hiện tại hơn”. Thu thập những miếng đá công nghiệp không còn giá trị sử dụng, Đào Tân tái tạo một giá trị mới về của cải cũng như ý niệm cho chuỗi tác phẩm của mình. 20năm30năm50năm/phút bỗng chốc thay đổi cốt lõi, tạo nên những mối quan hệ mới giữa người sáng tác, người xem hay người sở hữu. Khi nào một vật dụng, một tác phẩm nghệ thuật trở nên giá trị? Làm thế nào để ta xác định được giá trị tài chính hay tinh thần của nó? Xa hơn nữa: Ai là người quyết định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật? 

Koa Phạm đặt ra suy ngẫm về cách chúng ta nhìn nhận và thưởng thức nghệ thuật, đồng thời thách thức thị giác và nhận thức của chúng ta. Đưa ý niệm của các yếu tố trình diễn vào tác phẩm, phản ứng hoá học của viên sủi bồn tắm khi gặp nước, tạo ra hình ảnh lấp lánh, mềm mại, hoà quyện vào nhau gợi lên mường tượng về chốn thiên đường. Khi hình dạng tan biến, những dấu vết còn lại trên bề mặt trở thành bằng chứng của trí tưởng tượng. Một lớp sơn phủ lên để giữ lại những dấu tích này, tượng trưng cho nỗ lực giữ lấy những khoảnh khắc thiên đường thoáng qua. Trải nghiệm giác quan, với âm thanh xèo xèo, sủi bọt và hương thơm, tương phản với việc hiểu hình dạng ban đầu trước khi nó tan chảy, tạo nên một khám phá hấp dẫn về sự phức tạp xung quanh khái niệm thiên đường mà Koa Phạm nghĩ đến. “Trụ Bong Bóng” mang tới cho người xem giây phút thoát khỏi thực tại và đẩy về một thoáng mơ mộng. Lấy cảm hứng từ bộ phim “The Red Balloon” (1956) của Albert Lamorisse, Koa Phạm nghiên cứu hiệu ứng bất ngờ của hình ảnh trong tiềm thức hay những hình ảnh mang tính biểu tượng lên nhận thức của con người. Đồng thời “Trụ Bong Bóng” chơi đùa với khái niệm L’art pour l’art (Nghệ thuật vị nghệ thuật): bóng bóng hiện diện cho sự ngây thơ, mong manh, nhẹ nhàng bay ra khỏi lề thói của xã hội nhân sinh. Nhưng chính sự mong manh ấy lại phơi bày giới hạn của khái niệm trên: Đến khi nào thì nghệ thuật mới vị nhân sinh?

Xem catalogue triển lãm