
Trưng bày nghệ thuật
Lối gió đường mây
Nghệ sỹ: Nguyễn Hóa | Giám tuyển: Đỗ Tường Linh | Thời gian: 16/12/2023 - 28/01/2024
Giới thiệu
Được khơi nguồn cảm hứng từ những vần thơ tinh tế giàu cảm xúc của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử, “Gió theo lối gió, mây đường mây”, Nguyễn Hóa (sn. 1978, Huế) ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên - một cột mốc quan trọng đánh dấu sự lộ diện của anh tới công chúng vượt ra ngoài giới hạn nghệ thuật quen thuộc. Những người có cơ hội thường xuyên lui tới dinh thự nghệ thuật của anh, Cafe Tụm ở Huế, đều có những cảm xúc riêng tư với mỗi lần ghé thăm.
Tứ thơ của Hàn Mặc Tử tựa như bức tranh sông Hương thanh bình, thơ mộng, ý nhị dệt nên những khung cảnh thấm đẫm nỗi niềm trầm tư và sâu lắng. Trong gần ba năm miệt mài làm việc, Nguyễn Hóa tỉ mỉ nhen nhóm và chắt lọc những sáng tạo nghệ thuật của riêng mình. Vượt lên trên sự hồi đáp về không gian và bối cảnh, các tác phẩm của anh còn gói bọc cả bản chất phù du của thời gian, cả những thay đổi không ngừng bên trong tấm thảm phức tạp của vũ trụ nhân loại.
Được đào tạo bài bản về Điêu khắc, Nguyễn Hóa coi hội họa như một phương tiện bổ sung nhằm biểu hiện tinh thần nghệ thuật của mình—một phương tiện vừa có tác dụng phản chiếu, vừa chống lại ý niệm của thời gian. Mỗi tác phẩm của anh được chế tác tỉ mỉ, khan hiếm một cách có chủ đích, tạo thành một phần của chuỗi những phản tư đầy chiêm nghiệm, đôi khi bao gồm không quá ba tác phẩm. Sống cộng sinh với những sáng tạo của mình, Nguyễn Hóa không ngừng đối thoại và phản hồi liên tục với chúng theo thời gian, hoàn thiện chúng thông qua một vũ điệu chậm rãi, đầy ý thức và tự chủ. Trạng thái thong thả mà miệt mài trải dài suốt quá trình sáng tác đã trở thành một bức chân dung tự họa, một màn trình diễn đầy suy tư, len lỏi vào những ngóc ngách sâu thẳm nhất của cảm xúc và chiều sâu. Nguyễn Hóa lựa chọn sơn mài, một chất liệu “đo ni đóng giày” cho quá trình thực hành thong dong điềm tĩnh vốn có của bản thân. Xuyên suốt loạt tác phẩm lần này, các chi tiết kiến trúc cổ đóng vai trò như một khung hình—một phép ẩn dụ ý nhị về lề thói và xung đột, bóc tách những cảnh tượng, lễ nghi, thói quen và quy tắc không chỉ về lịch sử và di sản, mà còn về chính cơ cấu tồn tại mà bất kỳ nghệ sĩ nào sống và làm việc ở cố đô Huế đều tất yếu mang theo.
“Gió theo lối gió, mây đường mây.” Gió quẩn quanh trong gió, mây cô đơn trong mây — không mối ràng buộc. Thổi vào ý thơ là nỗi rung cảm vừa cô đơn vừa sầu muộn, khi khoảng cách giữa gió và mây càng lớn, lòng người cũng càng thêm quạnh quẽ. Muốn trở về quê hương, lữ khách dường như gặp muôn vàn trở ngại, lẽ thường như gió thổi mây bay mà nay lại tách biệt, như nghịch cảnh giữa cuộc đời. Quả thực, “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” (Nguyễn Du, Truyện Kiều, 1813 - 1820).
Gió khẽ khàng ve vuốt đám mây, dòng nước chảy dịu dàng uyển chuyển. Tính phi lý của mảnh tự sự thể hiện ở mối tương quan giữa gió và mây, không còn khăng khít, không còn quấn quýt như vốn có. Gió và mây không chung một bầu trời mà “gió thuận gió, mây thuận mây”. Nhịp thơ tách đôi, vẽ nên hai mảnh trời riêng biệt. Nỗi buồn thương, sự tiếc nuối của một người, đôi khi có thể chia rẽ được những thứ tưởng chừng không thể tách rời, cắt đứt cả những thứ từng gắn bó hòa hợp. Chiêm ngưỡng các tác phẩm của Nguyễn Hoá, chúng ta được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc đan xen: hoài niệm, u sầu, cô đơn và đẹp đẽ. Song, từ những ô cửa sổ nhỏ ấy mở ra thế giới nội tâm, nơi lớp sơn mài rực rỡ và quyến rũ của anh tạo nên một không gian ẩn náu bình yên giữa một thế giới chuyển động nhanh chóng mà tất cả chúng ta đang sống.